Back

BỘ ĐỊNH NGHĨA HÀNH VI AN TOÀN

Mô hình cây định nghĩa hành vi Văn hóa Chính trực

Dựa trên đóng góp của các đơn vị liên quan đến an toàn khai thác và các mô hình Văn hóa Chính trực đã được triển khai rộng rãi trong lĩnh vực hàng không trên thế giới, mô hình cây định nghĩa hành vi Văn hóa Chính trực sau đây được
xây dựng để mô tả các loại hành vi phổ biến trong Văn hóa Chính trực tại Vietnam Airlines:

Hình. 1. Mô hình cây định nghĩa hành vi Văn hóa Chính trực

Định nghĩa các loại hành vi an toàn

A. Hành vi tích cực

Hình 2. Cây định nghĩa hành vi tích cực

Một hành vi tích cực là hành vi đem lại lợi ích cho tổ chức.
Mọi hành động, công việc, hành vi mang lại giá trị tích cực sẽ được tổ chức công nhận và khen thưởng.

Hành vi tích cực được chia thành 2 loại:

A.1. Hành vi đổi mới

Hành vi đổi mới là các hành động giúp tổ chức tái thiết, cải tiến, thậm chí đổi mới hoàn toàn hệ thống trong tương lai.

Một hành vi đổi mới có thể là hành động hay ý tưởng đặc biệt xuất sắc góp phần đem lại thay đổi tích cực cho hệ thống. Hành động, ý tưởng này được công nhận và khen thưởng đặc biệt trong lĩnh vực an toàn.

A.1.1. Hành vi xuất sắc

Hành vi xuất sắc là hành động, việc làm có giá trị đặc biệt tích cực của cá nhân hay tập thể giúp ngăn chặn tai nạn, sự cố có thể xảy ra hoặc đưa tình huống đặc biệt nghiêm trọng về mức độ an toàn có thể chấp nhận được.

Giá trị đặc biệt này được thể hiện khi một hay nhiều người đã
cho thấy kỹ năng hay tinh thần dũng cảm khác thường để xử lý thành công tình huống nguy hiểm hay đã cho thấy khả năng dự đoán giúp phòng tránh một sự việc đặc biệt nguy hiểm như vậy. Đặc điểm này được hiểu là “tính bền bỉ” (Resilience), khi cán bộ nhân viên luôn sẵn sàng hành động trước một sự việc bất thường có nguy cơ dẫn đến tai nạn, sự có nghiêm trọng dù chưa kịp đánh giá tình huống đầy đủ, và thể hiện khả năng có thể phản ứng hợp lý và nhanh chóng theo Hướng dẫn ứng phó tình huống khẩn cấp.

Hành vi xuất sắc cũng có thể hiểu là hành vi được thực hiện trong trường hợp một cá nhân hay tập thể hành động để giải quyết một vấn đề an toàn khi Hệ thống quản lý an toàn tỏ ra không hiệu quả, hoặc đã chủ động bù đắp những thiếu sót của hệ thống.

Ví dụ quốc tế: Ngày 15/01/2009, sau khi cất cánh, tàu bay A320 khi đang thực hiện chuyến bay US Airways Flight 1549 đã va phải đàn ngỗng làm hỏng động cơ. Cơ trưởng quyết định hạ cánh khẩn cấp và đã thực hiện cú hạ cánh ngoạn mục trên dòng sông Hudson lạnh giá, gần thành phố New York. Không có thương vong xảy ra. Cơ trưởng chuyến bay, ông Chesley B. Sullenberger III, sau đó được tán dương và phong anh hùng. Thật thú vị khi biết rằng ông từng là thành viên Ủy ban điều tra tai nạn tàu bay trong thời gian phục vụ tại Không lực Hoa Kì. Chính kinh nghiệm lái tàu lượn của ông đã giúp ông hạ cánh an toàn trên mặt nước.

Ví dụ VNA: Tổ lái xử lý sự cố cháy động cơ:

Chuyến bay VN580 SGN-KHH sau khi cất cánh, tổ lái nghe thấy tiếng nổ bên phía trái tàu bay. Tổ lái kiểm tra mọi thông số động cơ vẫn trong giới hạn hoạt động. Vài phút sau, tổ lái lại nghe thêm một tiếng nổ và có cảnh báo ECAM ENG1 STALL. Tổ lái tiến hành giải quyết sự cố theo quy trình và gọi hỗ trợ kỹ thuật trên tần số VHF 1297, đồng thời kết hợp với điều hành tại mặt đất để xử lý sự cố. Trong quá trình xử lý, ECAM lại xuất hiện ENG1 EGT OVER LIMIT. Tổ lái thực hiện phương thức tắt động cơ số 1 và gọi khẩn nguy PAN PAN Call. Sau khi tập hợp mọi nguồn hỗ trợ và thông tin, tổ lái quyết định quay lại SGN (Main Base). Tiếp viên trưởng phát thanh thông báo về sự cố và trấn an hành khách mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Tổ lái cũng thực hiện phương thức hạ cánh quá tải Over Weight Landing Procedure. Quá trình hạ cánh thành công và hành khách rời khỏi tàu bay an toàn.

A.1.2. Hành vi cải tiến hệ thống

Hành vi cải tiến hệ thống là hành động, ý tưởng góp phần nâng cao hiệu quả an toàn, giảm thiểu rủi ro của hệ thống.

Để cải tiến một hệ thống, một cán bộ hay nhân viên trong tổ chức phải thể hiện kỹ năng, trình độ chuyên môn cao. Những hành vi mang lại cải tiến cần được công nhận và khen thưởng, không chỉ vì các cá nhân, mà còn để làm gương cho những nhân viên khác cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức cho mọi người.

Để có thể cải tiến một hệ thống hiệu quả, mỗi nhân viên cần có ba yếu tố quan trọng:

Một Văn hóa Chính trực hiệu quả thường đặt hành vi cải tiến hệ thống làm yêu cầu cơ bản đối với mỗi cá nhân trong tổ chức. Những cải tiến mang lại chuyển biến rõ rệt cần liên tục được khuyến khích.

Những hành vi cải tiến hệ thống thường xảy ra ở tuyến trước và do vậy, cần được khen thưởng trước hết. Các ý tưởng cải tiến cần được trân trọng và phân tích nghiêm túc, kỹ lưỡng bởi đôi khi những ý tưởng hay, có giá trị lại có vẻ không hợp lý khi chỉ phân tích sơ qua. Những ý tưởng cải tiến tốt cần phải được khen thưởng bằng sự ghi nhận, tài chính, và được lãnh đạo quan tâm. Trong một số trường hợp, có thể đưa vào để xét đề bạt.

Ví dụ quốc tế: Một hãng hàng không Mỹ đã tiết kiệm hàng triệu đô-la Mỹ mỗi năm qua việc sử dụng dữ liệu Chương trình phân tích dữ liệu bay (FOQA) để phân tích nguyên nhân nhiệt độ khí xả động cơ (EGT) tăng cao. Điều này cho phép kéo dài thời gian sử dụng động cơ. Cũng nhà khai thác này đã sử dụng kết hợp dữ liệu FOQA và ASAP để chứng minh cho Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) sự cần thiết của việc tái thiết kế một phương thức tiếp cận thiết bị giảm thiểu tốc độ hạ độ cao. (Capt. John Cox, 2005).

Ví dụ VNA: Trong quá trình bảo dưỡng tàu bay trước chuyến bay, giữa hai chuyến bay, nhân viên kỹ thuật luôn luôn phải tuân thủ danh mục công việc kiểm tra (Ví dụ: A321 PREFLIGHT AND TRANSIT CHECK PROCEDURE). Để hỗ trợ cho nhân viên kỹ thuật, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường Hồ Chí Minh, thuộc công ty VAECO đã phát triển, xây dựng được 01 ứng dụng (application) trên điện thoại thông minh. Ứng dụng này đã hỗ trợ tích cực cho nhân viên kỹ thuật không phải sử dụng các bản giấy bất tiện và đôi lúc làm theo trí nhớ. Ứng dụng này còn góp phần giải quyết hiệu quả khuyến cáo an toàn của Cục Hàng không Việt Nam đưa ra khi kiểm tra hoạt động bảo dưỡng ngoại trường năm 2018 vừa qua.