[Sử dụng nội bộ]

Tháng 11, 2018

  • Tổng hợp và biên soạn bởi các đơn vị liên quan đến lĩnh vực an toàn của Vietnam Airlines
  • Tổng hợp từ thuyết trình của Tổng Giám đốc Vietnam Airlines về Văn hóa Chính trực, với sự tham gia biên soạn của Nhóm nghiên cứu Vận hành và An toàn bay (FOSWG) của AAPA
  • Dựa trên tài liệu được Mạng lưới thông tin hàng không toàn cầu (GAIN) cho phép tham khảo
  • Thẩm định bởi Công ty 5Echo Inc. (Singapore)

LỜI MỞ ĐẦU

Bối cảnh

“Văn hóa An toàn phụ thuộc chủ yếu vào việc xác định rõ ràng ranh giới giữa hành vi không chấp nhận được và hành động mất an toàn không thể khiển trách được. Giữa hai thái cực này luôn có một “khu vực xám”, ở đó ta phải xem xét giải quyết vấn đề theo từng trường hợp. Nhiều tổ chức hàng không đã bắt tay thực hiện quá trình này, số liệu sơ bộ cho thấy chỉ có khoảng 10% các hành động dẫn đến các sự việc mất an toàn được đánh giá là đáng bị khiển trách. Về nguyên tắc, điều này có nghĩa là người lao động có thể báo cáo phần lớn các hành vi mất an toàn mà không ngại bị trừng phạt.
Một khi văn hóa tin cậy này được thiết lập, một tổ chức có thể bắt đầu hình thành văn hóa báo cáo, tổng hợp và cung cấp cho hệ thống các hồ sơ tài liệu có thể truy cập được về lĩnh vực an toàn, góp phần tạo nền tảng thiết yếu cho văn hóa học hỏi. Tất nhiên, sẽ có những khó khăn thách thức trên lộ trình này, nhưng việc xây dựng Văn hóa Chính trực là bước đi ban đầu vô cùng quan trọng, bởi sẽ còn rất nhiều những vấn đề khác phụ thuộc vào nền văn hóa này.”

– TS. James Reason, Trường Tâm lý học, Đại học Manchester

Mọi hệ thống thông tin về an toàn hiệu quả đều phụ thuộc chủ yếu vào sự sẵn sàng tham gia của lực lượng lao động, nhất là các nhân viên tuyến trước tiếp xúc trực tiếp với nguy hiểm. Trong các tổ chức hàng không, họ là các kiểm soát viên không lưu, phi công, phi hành đoàn, nhân viên bảo dưỡng… những người có thể cung cấp thông tin quan trọng về các vấn đề an toàn hàng không và giải pháp ứng phó phù hợp. Để đạt được Văn hóa Báo cáo đòi hỏi phải có môi trường tổ chức trong đó mọi người sẵn sàng, tự nguyện báo cáo lỗi và sự cố của chính mình. Một Văn hóa Chính trực thành công phải kẻ được ranh giới giữa các hành vi chấp nhận được và không thể chấp nhận, từ đó khuyến khích việc tuân thủ các quy trình, quy định liên quan, cổ vũ việc thực hiện các hoạt động vận hành an toàn và thúc đẩy phát triển các chương trình đánh giá nội bộ.

Sơ đồ Bộ định nghĩa hành vi an toàn

Tại Hội thảo Văn hóa An toàn ngày 12 tháng 5 năm 2018, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đã thảo luận về những khái niệm cơ bản của Văn hóa Chính trực, chỉ ra rằng xây dựng Văn hóa Chính trực là một hành trình dài đầy chông gai.

Mô hình dưới đây mô tả tầm nhìn của Tổng Giám đốc về Văn hóa Chính trực:

Đường “Just Culture” là đường trung trực giữa
Văn hóa không đổ lỗi và Văn hóa trừng phạt