Mục tiêu
Một khi Văn hóa Chính trực được tạo dựng thành công sẽ tạo ra các hiệu ứng có thể đo lường được, chẳng hạn như số lượng báo cáo tăng cao và các hành động khắc phục được thực hiện cũng như các lợi ích vô hình về tổ chức và quản lý. Mục tiêu chính của Vietnam Airlines là:
1. Xây dựng Văn hóa tin tưởng
Quá trình thiết lập rõ ràng ranh giới giữa hành vi chấp nhận được so với hành vi không thể chấp nhận, nếu được thực hiện đúng trong môi trường cộng tác sẽ tập hợp được các thành viên khác nhau của tổ chức, những người ít tiếp xúc thường xuyên trong việc ra quyết định về chính sách. Mối liên hệ này, cũng như sự hiểu biết chung về ranh giới của các chế tài trừng phạt sẽ tăng cường sự tin tưởng, đó là cốt lõi của việc phát triển Văn hóa Chính trực.
Hiển nhiên, Văn hóa Chính trực sẽ làm tăng sự tin tưởng của nhân viên tuyến trước vào lãnh đạo trong việc đặt ưu tiên vào an toàn hơn là quy trách nhiệm, đổ lỗi. Văn hóa Chính trực sẽ củng cố tầm nhìn và các giá trị chung của tổ chức về sự cần thiết phải đặt an toàn lên trên hết trong mọi khía cạnh hoạt động.
2. Quản lý Vận hành và An toàn hiệu quả hơn
Văn hóa Chính trực sẽ giúp nâng cao hiệu quả của tổ chức trong việc xác định kỳ vọng hiệu suất công việc, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng về hậu quả của sự sai lệch quy trình và khuyến khích liên tục rà soát các chính sách và quy trình.
Văn hóa Chính trực cho phép VNA xác định liệu các vi phạm là không thường xuyên hay việc bỏ qua quy trình đã trở thành phổ biến trong các nhân viên, cán bộ quản lí tuyến trước (Lỗi/vi phạm hệ thống lặp lại).
Các cơ cấu quản trị lỗi thời hoặc không hiệu quả có thể được biểu hiện theo nhiều cách, như sự thiếu hiệu quả trong hoạt động, bỏ qua cơ hội hoặc mất an toàn. Mặc dù Văn hóa Chính trực chủ yếu được thực hiện với động cơ đảm bảo an toàn, nhưng cũng có thể thấy rằng “các yếu tố tạo ra tai nạn cũng gây ra tổn thất trong sản xuất và các vấn đề về chất lượng và chi phí”. (Capt. Bertrand DeCourville, Air France, 1999).
3. Tăng cường báo cáo và xây dựng Văn hóa báo cáo
Văn hóa Chính trực không chỉ làm tăng số lượng báo cáo sự việc, đặc biệt là các hiện tượng trước đây chưa được báo cáo, mà còn giúp nhận biết các xu hướng góp phần xác định các vấn đề về an toàn tiềm ẩn.
Nghiên cứu ước tính rằng với mỗi vụ việc tai nạn lớn dẫn đến tử vong, có đến hàng trăm hiện tượng an toàn không được báo cáo, mà nếu được điều tra đúng mức, có thể đã xác định được vấn đề cơ bản kịp thời để ngăn ngừa tai nạn. (Sổ tay An toàn bay của Nhà khai thác, GAIN, 1999).
Việc thiếu các sự việc an toàn được báo cáo lại không có nghĩa là quy trình hoạt động đó an toàn, và tương tự, sự gia tăng các số lượng báo cáo không phải là biểu hiện của sự giảm chất lượng an toàn của hệ thống. Báo cáo sự việc an toàn cho thấy sự quan tâm đến an toàn và bất kỳ sự gia tăng nào trong loại báo cáo này đều nên được coi là dấu hiệu an toàn lành mạnh.