Back

Cây quyết định mức độ trách nhiệm của hành vi mất an toàn theo Văn hóa Chính trực của Reason (1997)

1. Giới thiệu

Mô hình Cây quyết định Mức độ trách nhiệm Hành vi mất an toàn (Decision tree to determine the culpability of unsafe acts) do Tiến sĩ tâm lý James Reason, Trường Tâm lý học, Đại học Manchester, Anh xây dựng. Tiến sĩ Reason đã dành hơn 25 năm nghiên cứu về quản lý lỗi con người và lỗi hệ thống trong nhiều lĩnh vực mang tính rủi ro cao như hàng không, năng lượng nguyên tử, vận tải và y tế.

Để quyết định xem một hành vi có đáng bị kỷ luật hay không, cần phải căn cứ vào quy chế để quyết định một cách công bằng đối với từng trường hợp cụ thể. Cây quyết định theo Văn hóa Chính trực của Reason trình bày một phương pháp tiếp cận có hệ thống nhằm xác định trách nhiệm cá nhân. Công cụ này được sử dụng với giả thiết rằng những hành động mất an toàn đã dẫn đến một tai nạn hoặc một sự cố nghiêm trọng. Từ đó phân tích từng hành vi mất an toàn riêng lẻ được thực hiện bởi một hay nhiều người khác nhau tại các điểm khác nhau trong một chuỗi sự kiện. Năm giai đoạn đánh giá trách nhiệm bao gồm:

Hành động chủ định: Câu hỏi đầu tiên trong cây quyết định liên quan đến ý định, và nếu cả hành động và hậu quả đều đã được dự tính, thì đó có thể là hành vi phạm tội có khả năng bị xử lý bên ngoài công ty (chẳng hạn như hành vi phá hoại hoặc cố tình gây thương tích).

Đang chịu ảnh hưởng của rượu hoặc chất kích thích: thường làm giảm hiệu suất tại thời điểm gây lỗi. Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa lạm dụng thuốc có và không có “mục đích hợp lý” (hoặc trường hợp giảm nhẹ), mặc dù vẫn đáng trách nhưng không đáng bị trừng phạt như dùng chất cấm nhằm mục đích giải trí.

Cố ý vi phạm các quy tắc: Hệ thống có khuyến khích vi phạm hoặc ngăn cản vi phạm không? Hành vi có trở thành nghiễm nhiên hay là “phong cách làm việc riêng của đơn vị” không?

Phân biệt lỗi qua việc kiểm chứng lại: liệu một người khác (có động lực, năng lực và trình độ tương đương) có phạm sai lầm tương tự trong trường hợp tương tự (do các đồng nghiệp xác định) hay không? Nếu câu trả lời là “có”, người mắc lỗi có lẽ không đáng bị khiển trách; nếu câu trả lời là “không”, có lý do nào do hệ thống gây ra không (chẳng hạn như lỗi huấn luyện, lựa chọn, kinh nghiệm không đầy đủ)? Nếu không, có thể hành vi là do sơ suất, thiếu trách nhiệm.

Các lỗi lặp lại: Câu hỏi cuối cùng là người đó đã có các hành vi mất an toàn trong quá khứ hay chưa. Điều này không nhất thiết là nghiễm nhiên quy trách nhiệm, và có thể cần xem xét tiến hành huấn luyện kèm cặp hoặc tư vấn thêm.

  • Kiểm tra dự đoán của Reason: đưa ra một bài kiểm tra trước bài kiểm tra Phân biệt lỗi qua việc kiểm chứng lại nêu trên, trong đó cho rằng mức độ trách nhiệm phụ thuộc vào loại hành vi mà người đó thực hiện tại thời điểm đó: Cá nhân có cố ý thực hiện hành vi mà một nhân viên tương tự có thể nhận ra đó là hành vi có thể làm tăng xác suất gây lỗi nghiêm trọng về an toàn không? Nếu câu trả lời cho câu hỏi này là “có” trong bất kỳ tình huống nào sau đây, cá nhân đó có thể có tội. Tuy nhiên, dù là bất kỳ tình huống nào trong số các tình huống này đều có thể có lý do chính đáng, và do đó cần tiếp tục thực hiện Phân biệt lỗi qua việc kiểm chứng lại:
  • Thực hiện công việc khi đang chịu ảnh hưởng bởi một loại thuốc hoặc chất có tác động làm giảm hiệu suất.
  • Đùa giỡn, không nghiêm túc khi đang làm việc.
  • Quá mệt mỏi do làm việc nhiều ca liền.
  • Sử dụng các thiết bị được biết là dưới tiêu chuẩn hoặc không phù hợp.