Thứ Năm, 21/11/2024, 9:06 sáng
Sự cố máy bay JL516 tại Nhật Bản và tầm quan trọng của Văn hóa An toàn Hàng không
Vào Ngày 2 tháng 1, trước thềm năm mới năm 2024, thế giới xôn xao với vụ va chạm giữa một chiếc máy bay dân dụng, Airbus A350 của hãng hàng không Japan Airlines, có số hiệu JL516, bay từ sân bay New Chitose (Sapporo của thủ phủ đảo Hokkaido) đến sân bay Haneda của Tokyo, với một chiếc máy bay Tuần duyên Nhật Bản khi hạ cánh, khiến chiếc A350 bốc cháy dữ dội ngay trên đường băng.
Con số thương vong của sự cố này là 5 người chết và 17 người bị thương, đều thuộc lực lượng Tuần duyên. Tuy nhiên, rất may mắn là toàn bộ 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn của chiếc A350 đều đã sơ tán an toàn chỉ trong 90 giây ngắn ngủi.
Thân của chiếc máy bay JL516 đã có thể chịu được ngọn lửa tới 18 phút kể từ khi chạm đất và bốc cháy. Có thể nói, các thông số kỹ thuật trên chiếc Airbus A350-900 có tuổi đời 2-3 năm này, như tường lửa xung quanh động cơ, máy bơm Ni-tơ trong bình nhiên liệu, vật liệu chống cháy trên ghế và sàn, rất có thể đã ngăn ngọn lửa bùng phát trong khoang cabin, giúp hành khách trên chuyến bay có thêm thời gian để sơ tán.
Khi máy bay bốc cháy, Phi hành đoàn đã có một lựa chọn chính xác, chỉ mở 2 cửa lên máy bay ở phía đầu và 1 cửa lên máy bay ở phía đuôi trái. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần sơ tán an toàn. Nếu phi hành đoàn mở sai lối thoát hiểm, hành khách có thể bị thương trong quá trình sơ tán, do động cơ bên phải đang bốc cháy và động cơ bên trái sau đó phát nổ. Điều này cho thấy, nhận định của phi hành đoàn JL516 rất chính xác, xử lý bình tĩnh khủng hoảng.
Ngay khi cầu trượt mở ra, chỉ mất đúng 90 giây để 367 hành khách thoát khỏi máy bay một cách an toàn, đó là một kỉ lục sơ tán khẩn cấp. Tuy nhiên 90 giây không phải là thời gian sơ tán vàng mà mọi người vẫn lần tưởng. 90 giây thực chất là yêu cầu bắt buộc về mặt kĩ thuật khi thiết kế máy bay, làm sao hành khách trong máy bay phải sơ tán khẩn cấp thì thời gian hoành thành sơ tán là 90 giây. Khi cần sơ tán khẩn cấp, phải tổ chức sớm nhất và nhanh nhất có thể.
Xứ sở Phù Tang đã làm nên kỳ tích mà cả thế giới phải nghiêng mình nể phục, khi tất cả hành khách và phi hành đoàn đều thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc. Vậy điều gì đã làm nên kì tích giải thoát này? Trong các yếu tố đã tạo nên phép màu tại sân bay Haneda, phải kể đến đó là Cơ trưởng kinh nghiệm với 12.000 giờ bay, đội bay 12 người được đào tạo tốt và chuyên nghiệp; thiết kế và vật liệu máy bay tiên tiến. Và quan trọng nhất là không có sự hoảng loạn của hành khách trên máy bay trong suốt quá trình sơ tán khẩn cấp. Phi hành đoàn đã rất bình tĩnh, thực hiện sơ tán cho hành khách một cách trật tự. Điều này có lẽ chỉ thường thấy ở trong sách giáo khoa như phát ngôn viên của hãng Airbus đã từng bình luận. Một lần nữa, người Nhật lại chứng minh với thế giới rằng, với tính kỷ luật, nghiêm túc và có trách nhiệm, họ hạn chế được các thiệt hại ở mức tối thiểu mỗi khi rơi vào tình huống khó khăn.