Văn hóa an toàn trong một tổ chức được mô tả như một cách thức mà tổ chức đó thực hiện công việc để quản lý an toàn. Đối với ngành Hàng không, Văn hóa an toàn được đặt lên hàng đầu.
Văn hóa an toàn là nhận thức và niềm tin của các cá nhân trong một tổ chức về các vấn đề an toàn. Do vậy, văn hóa an toàn là nhân tố quyết định mọi hành động an toàn của các cá nhân trong tổ chức đó. Văn hóa an toàn Hàng không là nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành Hàng không.
Văn hóa an toàn là tập hợp từ 5 thành tố:
► Văn hóa Chính trực (Just Culture)
► Văn hóa báo cáo (Reporting Culture)
► Văn hóa thông tin (Informed Culture)
► Văn hóa học hỏi (Learning Culture)
► Văn hóa thích ứng linh hoạt (Flexible Culture)
Văn hóa Chính trực
Là môi trường làm việc tin cậy, ở đó mọi người được khuyến khích, khen thưởng việc cung cấp những thông tin liên quan đến an toàn, nhưng đồng thời mọi người cũng phân biệt được rõ ràng ranh giới giữa hành động chấp nhận được và không chấp nhận được.
Văn hóa thông tin dựa trên văn hóa báo cáo, mà trong đó văn hóa báo cáo lại rất cần dựa trên một nền Văn hóa chính trực. Tất cả mọi người phải hiểu và nhận thức rằng việc trừng phạt tất cả các lỗi và hành vi không an toàn mà không quan tâm đến nguyên nhân và hoàn cảnh của tình huống đó là không thể chấp nhận được nhưng đồng thời cũng không thể chấp nhận được việc miễn trừ xử phạt với mọi hành động có thể hoặc đã là nguyên nhân gây ra tai nạn sự cố.
Điều kiện tiên quyết để xây dựng một nền Văn hóa chính trực là một tập hợp các nguyên tắc đã được đồng ý để vạch ra ranh giới giữa các hành động được chấp nhận và không được chấp nhận.
Văn hóa Báo cáo
Một môi trường của tổ chức mà ở đó tất cả mọi người đều sẵn sàng báo cáo những sai lầm, thiếu sót của họ.
Vấn đề này không phải là liệu các tổ chức có một hệ thống báo cáo hay không, mà đó là việc các vấn đề thực tế, sai lỗi, nguy cơ sắp xảy ra, mối nguy hiểm và rủi ro được báo cáo như thế nào. Văn hóa báo cáo, ngược lại phụ thuộc vào cách tổ chức xử lý việc đổ lỗi và trừng phạt như thế nào. Nếu đổ lỗi là cách xử lý thông thường đối với lỗi, thì các báo cáo sẽ không xuất hiện.
Mặt khác, nếu việc đổ lỗi được dành cho một hành vi cực kỳ nghiêm trọng, liên quan đến sự liều lĩnh cá nhân hoặc ác ý, thì việc báo cáo nói chung sẽ không bị cảm thấy lo ngại. Chính vì vậy để có thể thay thế cách tiếp cận không đổ lỗi hay đổ lỗi thì điều cần thiết đầu tiên đó là phải xây dựng một nền Văn hóa chính trực trong Tổ chức của mình.
Văn hoá Thông tin
Những người quản lý và vận hành hệ thống phải có kiến thức về các yếu tố con người, kỹ thuật, tổ chức và môi trường từ đó xác định được sự an toàn của toàn bộ hệ thống.
Hoạt động quản lý thúc đẩy một môi trường Văn hóa nơi mọi người hiểu được các mối nguy hiểm và rủi ro vốn có trong lĩnh vực hoạt động của họ. Các cá nhân được cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm công việc cần thiết để làm việc an toàn, đồng thời mọi người được khuyến khích xác định các mối đe dọa tới an toàn và tìm kiếm những thay đổi cần thiết để giải quyết vấn đề. Văn hóa thông tin dựa trên việc phải có một nền văn hóa báo cáo mạnh mẽ.
Văn hóa Thích ứng linh hoạt
Là văn hoá mà ở đó một tổ chức có thể tự thay đổi, cơ cấu lại thường xuyên để đối mặt với những hoạt động cường độ cao hoặc nguy hiểm, chuyển từ chế độ phân cấp thông thường sang chế độ gọn nhẹ và trực tiếp hơn.
Văn hóa an toàn mang tính linh hoạt, được hiểu rằng trong việc quyết định sẽ được đưa ra theo nhiều cách dựa vào tính cấp bách của việc ra quyết định và mức độ chuyên môn của người có liên quan đến quyết dịnh đó.
Văn hóa Học hỏi
Là một tổ chức phải có ý chí và năng lực để rút ra những kết luận đúng đắn từ hệ thống thông tin an toàn của mình và sẵn sàng thực hiện những thay đổi lớn cần thiết.
Các báo cáo chỉ có hiệu quả nếu Tổ chức học hỏi được từ chúng. Việc học hỏi này sẽ diễn ra theo cả hai cách bị động và chủ động, và được thúc đẩy bởi tính sẵn sàng thích ứng và cải tiến của tổ chức.
Trong số 5 thành tố đó thì VĂN HÓA CHÍNH TRỰC là cốt lõi của VĂN HÓA AN TOÀN! Một khi VĂN HÓA CHÍNH TRỰC được tạo dựng thành công sẽ tạo ra các hiệu ứng có thể đo lường được. Cụ thể như số lượng báo cáo sẽ tăng cao (Văn hóa báo cáo) và các hành động được khắc phục (Văn hóa học hỏi) cũng như các lợi ích vô hình về tổ chức và quản lý (Văn hóa thích ứng linh hoạt).
Khi không có báo cáo an toàn hoặc ít báo cáo, không phải do hệ thống hoạt động hoàn toàn an toàn và hoàn hảo mà chính là do nhân viên tuyến trước không dám gửi báo cáo vì sợ bị trừng phạt hoặc bị đổ lỗi. Như vậy vấn đề mất an toàn sẽ âm ỉ tồn tại trong tổ chức và chính nó sẽ gây ra rủi ro an toàn trong tương lai.
Chính vì vậy, càng có nhiều cáo về an toàn là chứng tỏ nhân viên càng đặt lòng tin vào lãnh đạo và sự an toàn trong mọi hoạt động đang được cải tiến dần.
Qua đó khẳng định VĂN HÓA CHÍNH TRỰC là yếu tố quan trọng nhất trong Văn hóa an toàn của một tổ chức!