Văn hóa an toàn hàng không tại Pacific Airlines
Đối với Pacific Airlines, từ những nhân sự ở văn phòng cho đến khối trực tiếp dưới mặt đất như những nhân sự thực hiện nhiệm vụ thủ tục hàng không (check-in), lái xe sân đỗ, bốc xếp hàng hóa… cho đến những nhân sự làm nhiệm vụ trên bầu trời như phi công, tiếp viên hàng không đều phải được đào tạo bài bản, kỹ càng để nhận thức được những kiến thức quan trọng liên quan đến an toàn hàng không và hình thành được một nền “văn hóa an toàn” trong tiềm thức của từng CBNV.
Trong các tiêu chuẩn liên quan đến ngành hàng không, tiêu chuẩn an toàn vừa là trách nhiệm của Hãng hàng không vừa là yếu tố được quan tâm hàng đầu. An toàn được xác định là giá trị cốt lõi, nền tảng cho mọi hoạt động, được kết tinh, bảo tồn và luôn phát triển không ngừng nghỉ.
Hãng hàng không cần phải đảm bảo mọi quá trình khai thác từ mặt đất cho đến lúc bay trên bầu trời và lúc hạ cánh phải mang lại sự an toàn tuyệt đối cho tất cả hành khách và phi hành đoàn trên từng chuyến bay. Chính vì thế, Hãng hàng không Pacific Airlines – Thành viên của Vietnam Airlines Group – luôn luôn đặt tiêu chuẩn an toàn hàng không lên ưu tiên hàng đầu.
Minh chứng rõ nét nhất chính là việc giữ được Chứng chỉ IOSA, chứng chỉ quan trọng nhất về an toàn hàng không trong chương trình đánh giá an toàn khai thác của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Vào năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, mạng đường bay bị hạn chế cùng với quy định về cách ly bắt buộc, IATA đã đưa ra giải pháp với hình thức đánh giá gia hạn IOSA từ xa với các tiêu chuẩn, điều kiện khắt khe.
Hình thức đánh giá từ xa cũng là một thử thách không nhỏ, các Hãng hàng không cần chuẩn bị kỹ càng về nền tảng hệ thống công nghệ thông tin, việc điện tử hóa các hồ sơ, tài liệu và tính sẵn sàng của các hệ thống kiểm soát. Với ưu thế về việc các tài liệu, hồ sơ của Pacific Airlines đã được điện tử hóa, hệ thống quản lý hiệu quả và luôn sẵn sàng, cùng với việc giám sát thường xuyên của hệ thống đánh giá An toàn chất lượng nội bộ.
Kết quả, đợt đánh giá gia hạn IOSA của Hãng vào năm 2020 đã được các đánh giá viên Tổ chức đánh giá Aviation Quality Services (AQS) công nhận về tính sẵn sàng của hệ thống, chứng minh việc đáp ứng tuân thủ của Pacific Airlines với bộ tiêu chuẩn IOSA.
Đối với Pacific Airlines, từ những nhân sự ở văn phòng cho đến khối trực tiếp dưới mặt đất như những nhân sự thực hiện nhiệm vụ thủ tục hàng không (check-in), lái xe sân đỗ, bốc xếp hàng hóa… cho đến những nhân sự làm nhiệm vụ trên bầu trời như phi công, tiếp viên hàng không đều phải được đào tạo bài bản, kỹ càng để nhận thức được những kiến thức quan trọng liên quan đến an toàn hàng không và hình thành được một nền “văn hóa an toàn” trong tiềm thức của từng cán bộ nhân viên.
Bên cạnh việc hiểu được tầm quan trọng của văn hóa an toàn thông qua các lớp học, hội thảo chuyên đề, cán bộ nhân viên của Pacific Airlines luôn luôn ý thức được rằng vận dụng những kiến thức được học ứng dụng vào thực tế công việc chuyên môn là trách nhiệm của từng cá nhân và bộ phận trong công ty.
Đối với nhân viên kỹ thuật sân đỗ, để đảm bảo an toàn trước mỗi chuyến bay, việc rà soát, kiểm tra động cơ máy bay trước mỗi chuyến bay là vô cùng cần thiết, nhằm đảm bảo không có bất kỳ yếu tố ngoại lai nào xâm nhập vào động cơ gây ảnh hưởng đến an toàn bay trong quá trình cất cánh. Việc kiểm tra được nhân viên kĩ thuật tại khu vực sân đỗ thực hiện kỹ càng, cẩn thận và tỉ mỉ, tránh không để sự chủ quan của cá nhân gây ảnh hưởng đến việc khai thác chuyến bay.
Pacific Airlines nói riêng và VNA Group nói chung sẽ luôn đối mặt với những biến động và những thách thức mới, nhưng chỉ cần mọi tiêu chuẩn được xây dựng thành một nền văn hóa như “văn hóa an toàn”, thấm nhuần vào tư tưởng của mọi cán bộ nhân viên thì ắt hẳn sẽ luôn có giải pháp vượt qua những biến động, thử thách một cách hiệu quả nhất.
Nguyen Xuan Cuong-PA