Công tác đảm bảo an toàn hàng không 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Hội nghị do Cục trưởng Cục HKVN Đinh Việt Thắng chủ trì. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo: các Cảng vụ hàng không, các hãng Hàng không Việt Nam, Tổ chức bảo dưỡng, Tổ chức huấn luyện, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, các Công ty Phục vụ mặt đất, Công ty Phục vụ hàng hoá cùng các phòng chuyên môn của Cục HKVN.
Hội nghị đã tập trung thảo luận đánh giá công tác đảm bảo an toàn hàng không 6 tháng đầu năm, phương hướng thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Trong bối cảnh các hãng hàng không, các đơn vị tiếp tục gặp khó khăn, thua lỗ do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid, nhiều hãng hàng không phải cắt giảm để tái cơ cấu. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp và các hãng hàng không đã cố gắng quyết tâm bước qua giai đoạn khó khăn nhất của toàn ngành hàng không.
Thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, năng lực cạnh tranh tốt, các hãng hàng không đã được đánh giá có uy tín trên thế giới.
Trong 06 tháng đầu năm, lực lượng tàu bay thuê giảm (giảm 40 tàu bay, tương đương 14% so với cùng kỳ năm ngoái). Chính phủ, Bộ GTVT, Cục HKVN và các hãng hàng không đã áp dụng nhiều giải pháp như tăng cường bay đêm, tăng thời gian khai thác của tàu bay …Thị trường hàng không dần tăng trở lại, đặc biệt là thị trường quốc tế sản lượng hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 26.3 triệu khách, giảm nhẹ (6.3%) so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên sản lượng vận chuyển nội địa chỉ đạt 80% so với trước dịch. Hoạt động vận tải hàng không về cơ bản đảm bảo an toàn hàng không, các chỉ số an toàn trên 1000 chuyến bay trong hoạt động vận chuyển hàng không thương mại được duy trì tốt. Cục HKVN đã triển khai hiệu quả chương trình giám sát an toàn liên tục trong 06 tháng đầu năm 2024 đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không.
Trong tháng 05/2024, Đoàn Thanh sát an toàn hàng không toàn cầu USOAP (Universal Safety Oversight Audit Programme) của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã thực hiện đánh giá tổng thể năng lực đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam.
Theo kết quả đánh giá sơ bộ được công bố bởi Đoàn Thanh sát an toàn hàng không của ICAO, điểm trung bình chỉ số thực hiện hiệu quả (EI) trong công tác đảm bảo an toàn của toàn ngành hàng không Việt Nam đạt được 77,1% tăng 11,54% so với kết quả đánh giá năm 2016 (65,56%).
Để đạt được kết quả này, là công sức của các cơ quan, đơn vị, cán bộ Cục HKVN với bài học là ý thức, quyết tâm chính trị, cam kết từ các cấp lãnh đạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện một số nội dung để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đảm bảo an toàn hàng không trong 6 tháng cuối năm 2024.
Đối với các cơ quan tham mưu, Cục HKVN yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền và huấn luyện các quy trình, quy định liên quan đến an toàn hàng không tại các Doanh nghiệp; tăng cường công tác giám sát, điều tra an toàn, thực hiện chế tài nghiêm các hành vi không tuân thủ quy trình, quy định an toàn gây ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn bay. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để duy trì, đồng bộ toàn bộ hệ thống khai thác; đánh giá hệ thống, quá trình xử lý các vấn đề về an toàn của các hãng hàng không, phổ biến bài học kinh nghiệm về an toàn đến tất cả các cá nhân trong hệ thống; thành lập tổ nghiên cứu các yêu cầu, quy định về khai thác tại sân bay trong điều kiện thời tiết nguy hiểm theo từng mức độ, để đề xuất, kiến nghị ban hành các quy định, quy trình, giải pháp cụ thể và đưa ra cảnh báo hoặc dừng hoạt động khai thác khi có thời tiết nguy hiểm (theo từng mức độ)….
Đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Cục HKVN yêu cầu VATM nghiên cứu quy tắc đặt hô hiệu chuyến bay, trình Cục HKVN để ban hành hướng dẫn cho các hãng hàng không thực hiện; rà soát lịch bay mùa nhằm phát hiện sớm các nguy cơ hô hiệu chuyến bay giống nhau để chủ động khuyến cáo các hãng hàng không điều chỉnh; hoàn thiện các phương thức bay, rút ngắn thời gian lăn cắt qua đường cất hạ cánh, tàu bay cất cánh bay qua vị trí tàu bay lăn; chuẩn bị vùng trời, phương thức bay, áp dụng công nghệ mới trong điều hành bay.
Đối với các Hãng hàng không Việt Nam, với tình trạng thiếu tàu bay khai thác, Cục HKVN yêu cầu các hãng hàng không ngoài việc tối ưu hoá thời gian sử dụng tàu bay để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, cần phải thực hiện đầy đủ quy trình khai thác, chương trình bảo dưỡng tàu bay đã được Cục HKVN phê chuẩn. Yêu cầu các nhân viên hàng không (người lái tàu bay, nhân viên kỹ thuật) phải đảm bảo tuyệt đối tuân thủ đúng, đủ nội dung Tài liệu hướng dẫn, quy trình khai thác,bảo dưỡng đã được Cục HKVN phê chuẩn.
Ngoài ra, trong thời gian mùa giông bão sắp tới thì thời tiết bất lợi vẫn là yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro, Cục HKVN yêu cầu Người khai thác tàu bay và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Cục HKVN về việc tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động bay trong mùa mưa bão và các điều kiện thời tiết bất lợi trong những tháng cuối năm 2024…/.