Hội nghị phối hợp An toàn 3 TCT: Nâng cao toàn diện công tác bảo đảm an toàn hàng không
Triển khai kế hoạch hoạt động của UBAT – VNA Group, Hội nghị phối hợp An toàn Hàng không ngày 3/11 đánh dấu cột mốc đáng nhớ, lần đầu tiên ghi dấu ấn thành công Cam kết phối hợp An toàn giữa Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Công tác An toàn hàng không là nỗ lực thống nhất từ các cơ quan Quản lý nhà nước đến các Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không, đồng bộ từ cấp Lãnh đạo cao nhất cho đến từng cá nhân tham gia trực tiếp, gián tiếp vào hoạt động khai thác, vận hành để đạt được mức độ cao nhất về an toàn hàng không. Hội nghị phối hợp An toàn hàng không tổ chức vào ngày 3/11 tại Hải Phòng, có sự tham gia của Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không – Không quân, Cục Hàng không Việt Nam và 3 Tổng công ty ACV, VNA, VATM.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trong các giá trị văn hoá doanh nghiệp lĩnh vực hàng không, thì an toàn được xác định là giá trị cốt lõi, nền tảng cho mọi hoạt động, được kết tinh, bảo tồn và luôn phát triển không ngừng nghỉ. Chúng ta luôn kiên trì, nỗ lực phấn đấu xây dựng, duy trì và cải tiến liên tục các chính sách an toàn phù hợp với từng giai đoạn, kiên định với mục tiêu “An toàn là số một”, “ Khách hàng là trung tâm”, “Người lao động là tài sản quý nhất của doanh nghiệp”.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị phối hợp An toàn hàng không để cùng nhau tăng cường trao đổi, hợp tác chặt chẽ tuân thủ Chương trình an toàn quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng (SSP), kiến tạo môi trường phát triển an toàn bền vững của ngành hàng không Việt Nam trên cơ sở trao đổi thông tin thông suốt nhằm quản lý hiệu quả các yêu cầu của Hệ thống Quản lý an toàn. Đồng thời truyền tải thông điệp của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới IATA về văn hóa an toàn như một phương thức tiếp cận “Lãnh đạo vào cuộc” để thúc đẩy an toàn hàng không trong tổ chức.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TGĐ Lê Hồng Hà nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng Hội nghị không chỉ phục vụ những chuyến bay an toàn, sự phối hợp 3 bên còn là nền tảng quan trọng góp phần phát triển an toàn bền vững, ổn định của ngành hàng không Việt Nam vươn tầm cao trong khu vực và quốc tế.”
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thiếu tướng Bùi Thiên Thau – Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị Quân sự và HKDD luôn được phát huy tốt, việc xử lý thông tin liên quan đến hoạt động bay, quản lý vùng trời được kịp thời, đầy đủ góp bảo phần đảm an toàn cho các hoạt động bay, đồng thời Thiếu tướng cũng nêu nổi bật những khó khăn và đề xuất nội dung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác an toàn hàng không.
Với chức năng là cơ quan chủ trì về quản lý vùng trời, giám sát các hoạt động bay, Quân chủng Phòng không – Không quân đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Cục Tác chiến, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn hàng không như: tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả vật nuôi xâm nhập vào sân bay, đặc biệt không để gia súc, gia cầm, phương tiện và người không có nhiệm vụ xâm nhập vào khu bay, khu hạn chế tại các cảng hàng không sân bay; tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng với Hàng không dân dụng và chính quyền địa phương để bảo đảm an toàn cho các hoạt động bay, chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ các văn bản, đề nghị điều chỉnh bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn hàng không.
Tại Hội nghị, Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đánh giá cao VNA đóng vai trò đứng đầu trong khai thác vận tài hàng không, ACV đứng đầu trong khai thác Cảng hàng không và VATM là TCT duy nhất cung cấp dịch vụ không lưu cho các hoạt động bay trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ Việt Nam.
Cục HKVN chỉ đạo công tác phối hợp an toàn và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, điều hành hoạt động bay như lắp đặt trang thiết bị cảnh báo gió đứt, trang bị hệ thống D-ATIS, các giải pháp cải thiện, tối ưu phối hợp điều hành bay, phương thức bay nhằm làm giảm tải workload của tổ bay, tiết kiệm nhiên liệu, các vướng mắc và các giải pháp đối với vấn đề hạ tầng cảng hàng không như sơn/kẻ/chỉ dẫn/đèn hiệu đặc biệt trong thời tiết mưa, khai thác ban đêm, việc thực hiện đánh tín hiệu, va chạm mặt đất tại các cảng hàng không, phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình an toàn đường CHC (tàu bay xông ra ngoài đường cất hạ cánh (RE), tàu bay xâm nhập đường cất hạ cánh (RI).., Chương trình Quản lý rủi ro yếu tố tự nhiên (chương trình kiểm soát chim và động vật hoang dã, vật nuôi…), Chương trình kiểm soát FOD, Chương trình đánh giá và báo cáo tình trạng mặt đường cất hạ cánh để nâng cao công tác đảm bảo an toàn. Cục HKVN, các cơ quan chuyên môn của Cục HKVN sẽ phối hợp với các đơn vị để đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn và khai thác hiệu quả cho ngành hàng không Việt Nam.
Cục Trưởng Cục HKVN nhấn mạnh Hàng không Việt Nam được nhiều tổ chức hàng không trên thế giới đánh giá cao, đặc biệt là Vietnam Airlines – trong suốt hành trình ghi nhận dấu ấn an toàn đã được IATA lựa chọn là Hãng hàng không nước chủ nhà đăng cai Hội nghị An toàn, Khai thác toàn thế giới và là một trong 3 Tổng công ty có sự đầu tư kỹ lưỡng về công nghệ hiện đại nhất cho Hệ thống Quản lý An toàn và các Hệ thộng điều hành khai thác.
Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại Hội nghị và cho biết: “Những năm qua, chúng ta có thể thấy ngành hàng không đối mặt với nhiều biến động, thách thức. Tuy nhiên, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan, ban ngành, với nỗ lực phối hợp chặt chẽ của các TCT, chúng ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động SXKD nói chung và đặc biệt, là lĩnh vực an toàn nói riêng, giúp tạo đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong tương lai”.
Thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu trong lĩnh vực an toàn, đảm bảo các chuyến bay an toàn tuyệt đối, chúng ta sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ đã được các Cơ quan quản lý nhà nước nêu rõ. Trong đó, sự phối hợp giữa Tổng công ty Hàng không Việt nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là một trong những trọng tâm hàng đầu và là kiềng 3 chân vững chắc của Ngành hàng không Việt Nam. Ba Tổng công ty hiện thực hóa bằng lễ trao “Cam kết phối hợp An toàn hàng không”.
Cam kết được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ quy định của Chương trình An toàn Quốc gia lĩnh vực hàng không dân dụng, kiến tạo môi trường phát triển an toàn bền vững của ngành hàng không Việt Nam trên cơ sở trao đổi thông tin thông suốt nhằm quản lý hiệu quả các yêu cầu của Hệ thống Quản lý an toàn. Nội dung cam kết thể hiện trên 4 nội dung chính và được thể chế hóa trong Chương trình phối hợp An toàn hàng không và Kế hoạch hành động hàng năm giữa ACV, VNA, VATM gồm:
Chính sách và mục tiêu an toàn: Quản lý rủi ro an toàn hàng không Công tác đảm bảo an toàn Công tác thúc đẩy an toàn.
Kế hoạch hoạt động giữa 3 Tổng công ty trong thời gian tới: định kỳ hàng quý, 03 cơ quan tham mưu an toàn gặp gỡ trao đổi, giải quyết những khó khăn vướng mắc nhằm đảm bảo an toàn và định kỳ hàng năm; Ba Tổng công ty tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Cam kết phối hợp an toàn, đề ra kế hoạch hoạt động trong năm tiếp theo; và thành lập Tổ hành động An toàn chung của 3 Tổng công ty.
Hội nghị phối hợp An toàn hàng không khép lại với nhiều chủ đề trọng tâm, trọng điểm và một bầu không khí chia sẻ cởi mở, gắn kết ngôi nhà chung vì sự phát triển an toàn bền vững của Ngành hàng không Việt Nam.
Le Thu Trang-SQD